LỜI GIỚI THIỆU
Di
tích thắng cảnh Hương Sơn (Chùa Hương) là một khu di tích lịch sử văn hóa nổi
tiếng của Việt Nam, đã được Nhà nước xếp hạng: DI TÍCH
QUỐC GIA ĐẶC BIỆT quần thể Hương Sơn ( Chùa Hương ) ngày 25/12/2017
Di tích Chùa Hương bao gồm 21 Chùa – Đền và Hang động có
vẻ đẹp kỳ diệu và mang đậm nét văn hóa Phật giáo Việt Nam. Quả là nơi “Bầu trời cảnh bụt” đã được lưu truyền khắp
nơi danh hiệu “Nam thiên đề nhất động” (động
đẹp nhất trời Nam).
Mỗi độ xuân về, hàng triệu khách thập phương tấp nập về
trẩy hội lễ Phật, cũng như hàng vạn du khách đến vãn cảnh Hương Sơn.
Để giúp du khách trẩy hội và tham quan tìm hiểu về Di
tích lịch sử Chùa Hương qua các thời kỳ xây dựng và phát triển.
Ban Quản Lý khu Di Tích Thắng Cảnh Hương Sơn, xin giới
thiệu về lịch sử và những nét đặc sắc về non nước, suối rừng, hang động và hệ
thống Đền Chùa trong khu Di Tích thắng cảnh DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT Hương Sơn
LỄ HỘI
CHÙA HƯƠNG
Hương
Sơn là một bầu trời cảnh bụt, với một dải nước non cẩm tú được thiên nhiên ưu
đãi, đã thu hút khách thập phương về đây chiêm bái và tham quan du lịch hàng
năm.
Hội
Chùa Hương hàng năm vẫn được tổ chức vào ngày mồng 6 tháng Giêng và kéo dài mãi
đến cuối tháng 3 âm lịch.
Theo truyền thuyết, thì ở vùng “Linh sơn
phúc địa” này vào đầu thế kỷ đầu tiên đã có Công chúa
Diệu Thiện – tục gọi là bà Chúa Ba, ứng thân của Bồ tát Quán Thế Âm đến đây
tu hành và đắc đạo. Phật sử kể lại: Ngày
giáng sinh vào ngày 19 tháng Hai âm lịch. Do đó, Phật tử Việt Nam đều kỷ niệm
ngày đó là ngày Khánh đản. Người phát hiện ra
khu Phật tích này đầu tiên là ba vị Hòa thượng thời vua Lê Thánh Tông thế kỳ
XVI, nhưng đến niên hiệu Chính Hòa năm thứ 7 (1687) khi Hòa thượng Trần Đạo Viên
Quan về đây
tái thiết Thiên Trù. mới vận động nhân dân và Phật tử tổ chức lễ Khánh đản
Phật bà Quan Âm vào ngày 19 tháng Hai âm lịch hàng năm. Đến thời kỳ Đại sư
Thông Lâm tổ chức mở Hội vào hai ngày 18-19 tháng Hai âm lịch.
Làng Yến Vĩ là làng sở tại hàng năm vào
ngày mùng 6 Tết thường làm lễ mở cửa rừng gọi là “Tế khai sơn” tại đền Ngũ Nhạc.
Nhưng ông cha ta ngày xưa thường có quan niệm “mùa Xuân là mùa dạo chơi non nước”,
nên các tao nhân mặc khách thường bơi thuyền chống gậy thăm cảnh từ tháng Giêng
cho tới cuối tháng Ba âm lịch.
Đến năm Bính Thân niên hiệu Thành Thái năm
thứ 8 (1896) mới chính thức mở hội lớn vào cả tháng Hai âm lịch. Rồi từ đó
trong cảnh non xanh nước biếc “Tiểu sơn lâm mà có đại kỳ quan” này số lượng
khách đi trẩy Hội cứ mỗi năm một tăng.
Ngày nay, trong mỗi dịp mở Hội đã có hàng
vạn khách thập phương về đây trẩy hội. Người chưa đi thì mong mỏi sẽ đi, người
đi rồi thì vẫn muốn tiếp tục đi nữa vì say mê “Hương trời sắc núi, cảnh bụt bầu
tiên”. Thật không phải ngẫu nhiên mà thi nhân đã nói về Hội Chùa Hương:
SƠ LƯỢC VỀ KHU DI TÍCH HƯƠNG – THIÊN.
“Bầu trời, cảnh bụt
Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay!
Kìa non non, nước nước, mây mây
“Đệ nhất động” hoit là đây có phải?
Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái
Lửng lơ khe Yến cá
nghe kinh
Thoảng bên tai một
tiếng chày kình
Khách tang hải giật
mình trong giấc mộng!
Này Suối Giải Oan,
này Chùa Cửa võng
Này Am Phật tích,
này Động Tuyết Kình
Nhác trông lên, ai
khéo vẽ hình
Đá ngũ sắc long
lanh như gấm dệt
Thăm thẳm một hang
lồng bóng nguyệt
Gập ghềnh mấy lối
uốn thang mây
Chừng giang sơn
còn đợi ai đây
Hay tại hóa khéo
ra tay sắp đặt
Lần trang hạt, niệm:
Nam vô Phật
Cửa từ bi công đứa
biết là bao
Càng trông phong cảnh
càng yêu.”
(Chu Mạnh Trinh)
Động Hương
Tích còn gọi là Động Hương Sơn, ở địa phận huyện Mỹ Đức thành Phố Hà Nội, tuyến tiếp
giáp với tỉnh Hà Nam. Có thể đến đây bằng hai lối dường thủy đi từ cuối tỉnh Hà
Nam, ngược theo dòng sông Đáy qua thị xã Phủ Lý ước khoảng hơn một ngày thuyền
thì tới Bến Đục, hoặc đi từ Hà Nội qua TP Hà Đông, vào Thị trấn Vân Đình, tới dốc
Thanh Bồ thì rẽ vào bến Đục. hoặc qua cầu Đầu Đê rẽ phải đến cuối Thị trấn Tế
Tiêu rẽ trái theo đường trục bên mương Phù Đổng qua cầu Hội Xá rồi tới làng Yến
Vĩ, ở đây có con suối trong chảy từ trong rừng sâu qua núi Hương Tích đổ về:
...Đường vào Hương Tích lượn quanh,
Nước non gấm dệt, màu xanh phủ màn.
Người niệm Phật, khách tham quan,
Suối thanh tịnh rửa nhẹ nhàng trần duyên...
Bến đò suối, tại
đây có những chiếc thuyền ván, ngày thường người dân địa phương dùng để vào rừng
kiếm củi. Nhưng tới mùa Xuân, khi khách thập phương về trẩy Hội Chùa Hương thì
những chiếc thuyền đó lại là phương tiện để đưa đón khách.
Đường suối
hai bên núi non rải rác chạy dài, dòng
suối trong xanh, thuyền lượn quanh co, đáy nước như một tấm gương pha lê rộng
phẳng. Theo dòng suối biết bao cảnh đẹp, thoạt tiên ghé tới một ngôi đền, đền
này được xây dựng ở cạnh sườn một trái núi có năm ngọn, nên được gọi là đền Ngũ
Nhạc (còn gọi là Đền Trình). Từ xưa
khách thập phương trẩy hội Chùa Hương, ai qua đây cũng vào để trình với Sơn Thần.
Rời Đền Trình,
đò len qua giữa hai dãy núi để tới cửa hang có 4 chứ Hán “Sơn thủy hữu tình”,
là dấu tích bút đề của Tĩnh Vương Trịnh Sâm.
Trên một chiếc
cầu ván chênh vênh, một vài bóng người kĩu kịt trên vai những gánh mơ vàng hay
những làn rau sắng đặc sản của Chùa Hương, và có những chiếc thuyền chở các thứ
lâm sản khác từ rừng núi đưa về xóm làng.
Xa xa, núi non
còn vẽ ra những hình thù kỳ lạ, núi Con Voi, núi Con gà, núi Mâm Xôi, núi
Chiêng, núi Trống vv... mà người xưa đã đặt tên. Cụ Thám hoa Vũ Phạm Hàm đã có
câu:
Kìa núi Gà, núi Tượng, núi Trống, núi Chiêng;
Chưa qua núi lại thấy đò bên cạnh núi.
Thuyền thuận
dòng đủng đỉnh tiến về phía rừng sâu, chốc lát đã tới bến suối dẫn lên chùa.
Chùa Thiên Trù
còn gọi là chùa Trò, ngày trước là một khu rừng núi âm u tĩnh mịch. Tương truyền
rằng vua Lê Thánh Tông (1460-1496) đi tuần du phương Nam đã từng ghé thăm nơi đây.
Đến đời hậu Lê, niên hiệu Chính Hòa năm thứ 7 (1686), Hòa thượng Vân Thủy Thiền
Thiên Trần Đạo Viên Quang Chân Nhân chống gậy tích qua đây, thấy sơn thủy thanh
nhã, u tịch mới dựng nên một thảo am để tu thiền.
Nhưng ngày nay
“cao chót vót mấy tòa cổ sái...” đâu còn nữa! Bởi trong thời gian kháng chiến
chống Pháp (1947), quân giặc đã tràn qua đây và đã tàn phá, đến năm 1950 chúng
lại thả bom phá trụi cả ngôi chùa cổ kính và nhà cửa xung quanh.
Phía bên hữu
chùa là một vượn tháp, nhiều tòa được xây dựng từ lâu đời có cất giữ xá lỵ của
các vị Tổ sư quy tịch tại đây.
Sau chùa bên
sườn núi còn có một tòa “Thiên thủy tháp”, ở phía bên tả có một chiếc hồ hình
song bán nguyệt.
Ở đây, từ ngày hòa bình lập lại (1954), được sự quan
tâm của Chính phủ và lòng tín ngưỡng của khách thập phương nên đã xây dựng lại
được ngôi chính điện và một số nhà để thờ cúng và nhà ở của chư tăng, là nơi Cố
hòa thượng Thích Thanh Chân đã trụ trì.
Năm 1958, Chùa
Hương đã vinh dự đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Đến năm 1961 và 1971, Thủ tướng
Phạm Văn Đồng cũng về vãn cảnh.
Chiều tà vầng
dương đã gác ngàn tây, khách thập phương trên đường đi nhọc mệt thường nghỉ lại
chùa để tăng sức khỏe cho ngày mai trèo núi, leo rừng tiến vào chùa trong.
Sáng hôm sau,
từ chùa Ngoài rẽ phía tay phải có một con đường đá nhỏ men theo sườn núi, đó là
lối đi vào chùa Trong.
Con đường dẫn
ta qua nhiều chùa, hang động. Chùa Tiên Sơn được dựng trên ngọn núi cao. Chùa
nhỏ xinh, cổng tam quan vút như sắp bay lên... Trong động có những nhũ đá rủ xuống,
khi gõ vào thì nổi lên những tiếng tiêu thiền nhã nhạc du dương, thơ Tĩnh Vương
có ghi lại:
... chở mây oanh quất lồng hương Phật,
Gõ đá vang lừng trỗi nhạc Tiên...
Vẫn lối vào chùa Trong, rẽ bên trái là chùa Giải Oan. Động này do tổ sư thứ
hai động Hương Sơn, hiệu là Thông Dụng tìm ra và mở mang, chùa Giải Oan ở bên cạnh
giếng Long Tuyền. Gần đấy có Am Phật Tích, có động Tuyết Kình, lối đi vào còn
qua đền Cửa Võng ở núi Chấn Song, và chỉ một đoạn đường ngắn nữa là vào tới
chùa Trong. Bên đường những hàng mơ quả chín óng ánh vàng, những cây đại trang
nghiêm cổ kính đang trổ hoa thơm ngát.
Cuộc hành trình “Trẩy hội” đã tới chùa Trong. Đây chính là động Hương Tích.
Động này xưa kia không ai qua lại, đã phủ rêu xanh. Mãi đến khi Hòa thượng Viên
Thủy Thiền Thiên Trần Đạo Viên Quang Chân nhân trụ trì chùa Thiên Trù mới tìm
ra.
Trước cửa hang có những phiến đá lát thành từng bậc từ từ dẫn xuống khoảng
độ một trăm bậc thì nhìn thấy dòng chữ Hán “Nam thiên đệ nhất động”, đó là bút
đề của Tĩnh Vương Trịnh Sâm (1737-1782).
Vào trong động, tự nhiên thấy người mát dịu, ánh sáng cửa động thoạt nhìn
thì tăm tối âm u, nhưng nhìn lâu cứ thấy sáng dần. Ngắm lên tòa Tam Bảo, chính
giữa có pho tượng Đức Quán Thế Âm Bồ Tát là độc đáo nhất, xung quanh động có những
nhũ đá óng ánh như phấn vàng, phấn bạc lần lượt nổi lên.
Phía bên hữu động có tấm bia nhỏ từ thời Lê Cảnh Hưng năm thứ 28 (1786), nội
dung nói về nhân địa tu hành của Đức Phật “Quán Thế Âm Bồ Tát”.
Động núi Hương Tích, truyện Nam Hải Quán Âm Bản Hạnh chép rằng:
Phật Bà là con gái thứ ba của Trang Vương, ở nước Hưng Lâm, kiếp trước chị em
là con trai của họ nhà Thi, vốn ăn ở hiền lành đức hậu vào bậc Bồ Tát, nhưng vì
đã giúp nhầm cho quân trộm cướp đi cướp phá làng mạc, nên cả ba con trai phải
đi đầu thai làm con gái của Trang Vương. Vì Trang Vương có ác tâm, nên cầu
Hoàng tử không được. Nhưng bởi lòng thành, nên chỉ cho ba cô công chúa giáng
sing, cứ mỗi lần sinh con gái nhà Vua lại muốn giết đi, sau nhờ có các quan và
hoàng hậu can ngăn mới thôi. Khi khôn lớn lên, hai chị lấy chồng, nhưng gặp hai
phò mã đều ham mê chơi bời, không lo toan việc nước, nên vua lại bắt bà Chúa Ba lấy chồng, để kén người
tài giỏi nhường ngôi. Nhưng Chúa Ba nhất định xin đi tu để sau này độ cho gia
đình và chúng sinh thoát khỏi tội khổ. Trang Vương không nghe, sai đốt chùa, giết
tăng ni và giết cả Chúa Ba. Nhưng Thiên đình đã sai Thần núi Hương Tích hiện ra
con hổ nhảy xuống cứu công chúa cõng về vùng núi Hương Sơn, lúc đầu để tu ở Am
Phật Tích Giải Oan, sau đức phật Thích ca lại hiện thân để thử thách, thấy công
chúa lòng son dạ sắt quyết trí tu hành mới chỉ cho đường vào động Hương Tích tu
ở đấy. Khi thành đạo biến hóa thần thông ra nghìn mắt nghìn tay, ý nói ở đâu
cũng nhìn thấy và với tay tế độ được, rồi đã lại hóa thân về cứu độ cho cha, trừ
nghịch cho nước. Khi cha mẹ và hai chị tìm lên tới nơi thì cũng lại đều quy y tu
hành và sau đều thành đạo cả.
Về phụng đạo: Kể từ Thiên tổ khai sơn chùa Thiên Trù và chùa Hương Tích – Vân Thủy Thiền
Thiên Trần Đạo Viên Quang Chân nhân – kế thừa đến nay đã được mười đời, các vị
đều tỏ ra xứng đáng là “Động chủ Chùa Hương”, tinh nghiêm cả về mặt tu học,
viên mãn cả về lục độ, tự mình sống một cuộc đời thanh đạm khổ hạnh, vui với đạo
pháp.
Về hoằng pháp: Các vị Thiền tổ đã từng khai trường thuyết pháp, tiếp chúng độ người, lại cắt
nghĩa các bộ kinh điển Đại thừa: Hiển mật
viên thông, phụ giáo biên và du-ma-cật vv...
Về yêu nước: Cùng với hệ thống Hương Sơn, còn có động Tuyết Sơn gọi là “Ngọc Long Động”, sư cụ Vương Quốc Chính
trụ trì đã đứng ra vận động nhận nhân dân hai tỉnh Sơn Tây và Hà Đông khởi
nghĩa. Tổ chức này gồm các hương sư và anh em công nhân nhà đèn tham gia (Giai cấp công nhân Việt Nam – Trần Văn Giầu,
tr.42), hồi đó thực dân Pháp gọi là “giặc
Tuyết Sơn”.
Cuộc khởi nghĩa bị thất bại, sư cụ Vương Quốc Chính và nhiều vị sư khác bị
giết, sư cụ Thanh Hữu bị tay sai của thực dân Pháp là tên Tri phủ Hoài An (nay
là huyện Mỹ Đức) bắt, tra hỏi và đòi đút tiền. Cụ Thanh Hữu đĩnh đạc trả lời:
“Xin quan lớn cho về, tôi bán mấy ông Phật lấy tiền biếu quan lớn”. Sau cùng
Thanh Hữu bị tra tấn rồi chết.
Truyện Nam Hải Quán Âm Bản hạnh cũng
do chính sư cụ Vương Quốc Chính và một số các cụ văn thân dựa trong Kinh Pháp
Hoa và kinh Hoa Nghiêm sáng tác ra. Kế thừa truyền thống tốt đẹp đó, đến tháng
2 năm 1943 có các vị sự như sư ông Thanh Châu đã nhân dịp ngày Hội đứng ra rải
truyền đơn và treo cờ đỏ búa liềm để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia
hoạt động cách mạng, sau cũng bị thực dân Pháp bắt tra hỏi rồi mất tích.
Tiếp đến thời kỳ kháng chiến chống Pháp, có nhiều vị sư đã “gấp cà sa khoác
chiến bào” như ông Thanh Dinh, Thanh Hoan, Thanh Thục... gia nhập bộ đội, có vị
đã hy sinh vì Tổ quốc.
Còn nhiều vị khác làm cơ sở cách mạng từ thời kỳ tiền khởi nghĩa và trong
thời kỳ kháng chiến, bảo vệ cán bộ, bộ đội được an toàn, nêu gương quý báu cho
Thiền gia.
Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các Phật tử Hương Sơn nói
riêng, cũng như các phật tử Hà Tây nói chung vẫn tỏ ra ý nguyện thống nhất nước
nhà.
Động Hương Tích với Chùa Hương là một trong những thắng cảnh nổi tiếng nhất
của Việt Nam, đã được thế giới liệt vào hạng có thiên nhiên tươi đẹp. Hàng năm
tới dịp ngày xuân, những dòng người nườm nượp đi trẩy hội Chùa Hương. Trước đây
cụ Vũ Phạm Hàm đã có câu:
Dục đáo Hương Sơn bất khả ước
Khen cho ai biết trước cũng là tiên.
DU THUYỀN THEO DÒNG SUỐI YẾN
Bến Yến Vĩ lướt thoi thuyền Tam Bảo
Cho tôi đi vào xứ của thiên nhiên
Tay cô gái dong chèo trên suối Đục
Đây bến trần hay đã đến non tiên?...
(Băng Sơn)
Ngày xưa, khách đi dọc đò trên dòng sông Đáy (Hát Giang cổ);
từ bến đò Phương Đình đi xuống, từ bến đò Phủ Lý (Hà Nam) đi lên đều đến Bến Đục
là địa đầu của thắng cảnh chùa Hương. Bến này thuộc đất làng Đục Khê, nghĩa là
con suối từ sông Đáy nối chảy vào suối Yến thuộc làng Yến Vĩ. Tên làng và địa
hình giống con chim Én, loài chim đẹp của mùa Xuân.
Từ bến Yến du khách đi thuyền đò theo dòng suối Yến dài
4,6km để vào khu Tùng lâm Hương Tích.
Ngồi trên thuyền đò, chiêm ngưỡng cảnh đẹp mây trời sắc
nước, thiên nhiên trầm mặc, dòng nước trong xanh, những con cá lượn lờ khi bơi,
khi đứng sững sờ nghe tiếng chuông chùa:
Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái
Lửng lơ khe Yến cá nghe kinh
(Chu Mạnh Trinh)
Trong cành đẹp có cây
cầu bắc qua suối Yến thuộc địa phận làng Hội Xá, nên gọi là cầu Hội.
Thuyền qua cầu Hội,
mây núi in bóng quện vào nhau lung linh đáy nước, hang Sơn Thủy hữu tình, rặng
cây hoa gạo đỏ rực phía sườn non. Vẻ nên thơ ấy được nữ sĩ Hằng Phương viết:
“...Mây luồn đáy nước qua cầu
Thuyền đi tưởng núi quay đầu trông theo.”
Theo dòng suối Yến,
ngắm nhìn nhứng ngọn núi vẻ đẹp tạo hóa ra muôn hình giống như mâm Xôi, con Gà,
Long, Ly, Quy, Phượng, núi Trâu, núi Dẹo, núi Đổi Chèo, núi Phòng Sư.... có 99
ngọn núi con Voi chầu vào Chùa Hương, còn 1 ngọn núi con Voi quay ra; tương
truyền Đức Phật giận quá lấy gươm phạt một mảng mông.
Thuyền chở khách ra
vào như mắc cửi, râm ran lời chào “Nam vô A Di Đà Phật”! Dãy núi Hương in bóng
xuống dòng suối Yến trong xanh, trữ tình và thơ mộng như tranh vẽ:
...Reo rắt suối đưa quanh
Ven bờ, ngọn núi xanh
Dịp cầu xa nho nhỏ
Cảnh đẹp gần như tranh...
(Nguyễn Nhược Pháp)
Mùa xuân đi trẩy hội
chùa Hương, ai cũng được đi thuyền đò một lần trên dòng suối Yến. Bến Yến và bến
Trò được mở rộng, hoành tráng, mặt nước mênh mang, màu xanh thắm về phía Chùa
Hương.
ĐỀN ĐỤC KHÊ
Giang sơn thì vẫn người quen
Dạo chơi Châu phố, xuôi miền Đục Khê
Chiêng vàng bóng gác non tê
Dừng chân ướm hỏi lối về chùa Trong
(Chu Mạnh Trinh)
Đền Đục Khê nằm ngay
bên đường vào Chùa Hương, đền thờ 3 vị thần:
- Ông Cao Sơn Viết
Minh, vị anh hùng văn hóa thời Hùng Huy Vương thứ 6.
- Bà Ngọc Trinh là
Hoàng hậu của vua Hùng Huy Vương
- Bà Từ Thời Hoa công
chúa thời Hùng Vương
Đền được xây dựng lớn
vào thế kỷ XVII. Đặc biệt, đôi cá sấu đá, rồng đá và gạch hoa thị lát trước hậu
cung được làm vào năm 1731. Ngày nay đền Đục Khê được nhân dân sở tại chăm lo
giữ gìn và từng bước tu bổ để đón khách vào chiêm bái.
SƠN THỦY LÂU ĐÀI
(Đền Trình – Ngũ nhạc)
Trời Nam xây dựng tự đời Hùng
Bóng khách càn khôn, thấm biển sông
Dòng giống nhà ai? Thần núi đó
Con vua Hùng cả, đủ mười ông.
(Thơ trong Đền)
Tên tự là Ngũ Nhạc Linh
Từ, nằm ở địa phận thôn Yến Vĩ, xã Hương Sơn.
Theo bia ký và thần
phả còn lưu giữ được thì xưa kia ở vùng đất này được coi là cửa rừng. Có một
ngôi miếu thờ Sơn Thần. Hàng năm dân làng Yến Vĩ có tục tế khai sơn (lễ mở cửa
rừng) vào ngày mồng 6 tháng Giêng âm lịch đầu năm để cầu phúc cho dân, cầu an
cho đất nước. Đồng thời cũng là cáo yết với Sơn Thần để bắt đầu một năm mới
hương dân vào rừng làm ăn, khai thác và nuôi trồng lâm sản. Thần phả ở đền
Trình – Ngũ Nhạc ghi sự tích Sơn tướng là tiền thân của một vị danh thần trung
dũng “Hùng Lang” từ đời vua Hùng Huy Vương thứ 6, đã phò vua giúp nước đánh đuổi
giặc Ân, góp phần làm cho đất nước thanh bình, thịnh vượng. Ông là người Yến Vĩ
yêu mến cảnh vật và hương dân, nên sau khi cáo quan đã về trí sĩ ở vùng này để
hưởng thú vui non nước. Nhân dân Yến Vĩ ơn sau công đức và tình cảm thiêng
liêng ấy nên đã tôn thờ ông làm phúc thần – Thành hoàng của làng để quanh năm
thờ phụng tại ngôi đền này.
Theo truyền thuyết
phong thủy (địa lý cổ) thì hình thế núi Ngũ Nhạc là một con Thanh Long (rồng
xanh) gác cổng trời Nam. Trước cửa đền là cả một thế phong thủy bao la, cẩm tú.
Với sự hội tụ của 4 dòng nước thiêng. Thật là “Sinh lại hội vượng, vượng thú
nghênh sinh” (nước trường sinh gặp nước đế vượng, nước đế vượng đón nước trường
sinh).
Về kiến trúc, xa xưa
đến Trình là một ngôi miếu nhỏ nằm ở giữa vùng non xanh nước biếc. Đến thời Lê
Anh Tông niên hiệu Hồng Phúc thứ nhất (Nhâm Thân 1572), Lễ bộ triều đình mới
biên soạn thần phả cho đền và phong sắc. Rồi hàng năm khách thập phương về trẩy
hội đã đóng góp công đức cho đền. Nhân dân địa phương xây dựng trải qua nhiều đời
đến đầu thế kỷ XVIII thì trở thành một lâu đài nguy nga, sầm uất. Nhưng vào năm
1947 giặc Pháp đã tàn phá trơ trụi, chỉ còn lại mấy gian hậu cung. Sau ngày hòa
bình lập lại, đền được nhân dân địa phương dần dần khôi phục. Hai đợt tu bổ vào
những năm 1992-1993 và 1996-1997 toàn bộ nội, ngoại thất đã được trung tu tôn tạo
khang trang cao đẹp.
Đền Trình đối với
khách lễ bái, đây là nơi trình với thần linh trước khi vào chùa Hương. Đối với
thần linh trước khi vào chùa Hương. Đối với khách tham quan đây là nơi trình diện
với thiên nhiên cất một lời chào khi bắt đầu bước vào cõi đẹp.
CẦU HỘI
...Mây luồn đáy nước qua cầu
Thuyền đi tưởng núi quay đầu trông theo...
(Hằng Phương)
Cầu hội bắc qua dòng
suối Yến, gần núi Thong Dâu. Theo các cụ trong làng kể lại cho con cháu: cầu Hội
được xây dựng từ năm Tự Đức thứ 13 (1859). Đây là chiếc cầu hình thang thanh
thoát, đẹp mắt. Nó như một nét chấm phá trong bức tranh sơn thủy hữu tình. Bởi
nó hòa nhập vào trong khung cảnh non nước, trời mây. Vào những ngày xuân, khi
hoa gạo nở ôm ấp dòng suối Yến càng làm cho cây cầu vốn đã đẹp càng thêm duyên
dáng.
Thân cầu là mấy tấm
ván gỗ được kê lên hai mố cầu và trụ cầu, hai bên có bậc lên. Dưới chân cầu là
một khoảng trời rộng, đò ngược xuôi thoải mái đi qua.
CHÙA THIÊN TRÙ
Tiếng đâu văng vẳng chuông vàng
Khói đâu nghi ngút mùi nhang Thiên Trù
Thuyền nan mấy mái chèo qua
Một giây thẳng tới bến chùa bước lên.
(Chu Mạnh Trinh)
Theo một số tài liệu mới tìm thấy thì Vua Lê Thánh Tông khi đi tuần thú phương Nam lần thứ hai có qua đây. Trong lúc đóng quân nghỉ lại, vua Lê Thánh Tông đặt cho khu vực này là Thiên Trù Tinh và thung lũng Phụ Mã.
Sau năm đó, lần lượt có ba vị Hòa thượng (Tỵ Tổ Bồ Tát)
chống Thuyền trượng tới đây dựng thảo am để tọa Thuyền nhập định và đặt tên là
“Triên Trù Tự”. Tiếp đến năm 1686, thời Lê Trung Hưng thứ 7 niên hiệu Chính
Hào, Hòa thượng Trần Đạo Viên Quang Chân nhân đã trùng hưng lại ngôi Tam Bảo, Xiển
lập tông môn Thiên Trù và tìm ra động Hương Tích.
Hai mươi năm sau, đời Đại sư Thông Lâm (1707) trụ trì tiếp
tục dựng thảo am Thiên Trù thành 5 gian nhà lá và 6 gian tả - hữu vu trúc mộc để
thờ Phật và tọa Thuyền.
Đến đời Hòa thượng Thanh Quyết kế đăng trụ trì. Được sự
trợ duyên lớn của gia đình ông Hoàng Trọng Phu và sự ủng hộ của thiện tín muôn
phương, chính điện Thiên Trù được khởi công xây dựng vào năm Mậu Thân niên hiệu
Duy Tân thứ 2. Cuối năm đó, Đại sư Thanh Tích kế đăng trụ trì tiếp tục xây dựng
tới 10 năm sau thì công quả mới viên mãn. Lúc đó Thiên Trù đã là một lâu đài
tráng lệ với những kiến trúc nghệ thuật độc đáo “Biệt chiếm nhất Nam thiên”.
Thế rồi 11 tháng 2 năm Đinh Hợi (1947), thực dân Pháp đã
đốt phá Thiên Trù, lửa cháy suốt 15 ngày đêm. Đến năm 1948 chúng lại một lần nữa
đốt phá Thiên Trù, và năm 1950 chúng cho máy bay thả bom xóa sạch những công
trình kiến trúc của Thiên Trù. Năm Tân Mão (1951), Hòa thượng Thanh Chân đã dựng
lên trên đống gạch vụn tro tàn 6 gian nhà tranh để khêu tiếp đèn Thuyền duy trì
Tổ ấn.
Sau hòa bình lập lại (1958), Hòa thượng Thanh Chân cùng
Ban tổ chức của bản thôn cùng với lòng hảo tâm công đức của Phật tử thiện tín
bách gia đã xây dựng được 7 gian nhà khách phỏng cổ khang trang tạm thời làm
nơi thờ Phật.
Ngày 4/3/1989, Ban xây dựng chùa Hương được thành lập, đứng
đầu là Thượng tọa Thích Viên Thành, đã vận động Phật tử thập phương và nhân dân
địa phương kết hợp với sự chỉ đạo của ngành Văn hóa đã làm lễ khởi công xây dựng
Tam Bảo Thiên Trù vào ngày 11 tháng 2 năm Kỷ Tỵ (18/3/1989). Ngày 11 tháng
Giêng năm Tân Mùi (1991), tòa Tam Bảo Thiên Trù đã làm Lễ khánh thành.
Ngày 11 tháng Giêng năm Nhâm Thân (1992), khánh thành Điện
Hương Thủy. Với pho tượng Mẫu Liễu Hạnh của nhà điêu khắc Trần Tuy đã được xếp
vào tượng nghệ thuật dân gian.
Đến ngày 11 tháng Giêng năm Quý Dậu (1993), Tổ đường và Bảo
điện phía sau Tam bảo cũng làm lễ hoàn thành.
Cùng năm đó, động Vân Thủy Thuyền Thiên (phía trên Thiên
Thủy Tháp) cũng được khai mở và khánh thành để thờ phụng “Thượng ngàn chúa tể”.
Ngày 11 tháng Giêng năm Giáp Tuất (1994), cổng Nam Thiên
Môn đã hồi sinh mọc lên sừng sững giữa đát trời Hương Sơn ngút ngàn mây nước.
Ngày 11 tháng Giêng năm Ất Hợi (1995), Quan Âm Các đường
bệ nổi bật giữa rừng cây rậm rạp âm u. Nơi đây ngày nay đã trở thành khuy ngoạn
cảnh phong quang tú lệ.
Năm 2004, nhà chùa cùng khách thập phương hưng công xây dựng
Bảo tháp Chân Tịnh dưới gác chuông chùa Thiên Trù. Trong vườn tháp, xây dựng ngọn
tháp Chân Tịnh. Đây là một công trình kiến trúc lăng mộ tôn giáo độc đáo và
kiên cố được xây dựng hoàn toàn bằng đá xanh để báo đáp thâm ân tôn sư của hàng
pháp tử trong sơn môn cũng như của phật tử đối với cố Thượng tọa Thích Viên
Thành.
Với sự quan tâm của Nhà nước, các cấp và sự ủng hộ to lớn
của bà con Phật tử thiện tín chắc chắn không lâu nữa, khu chùa Thiên Trù được
khôi phục lại hoàn toàn và mở mang với quy mô rộng lớn để đền đáp cũng như đáp ứng
công lao khai sáng của Chư Tôn đức và nhu cầu tín ngưỡng thiết tha của nhân
dân.
ĐỘNG VÂN THỦY
Hay tạo hóa khéo ra tay xếp đặt
Lần hạt tràng, niệm: Nam vô Phật
Cửa từ bi công đức biết là bao
Càng trông phong cảnh càng yêu...
(Chu Mạnh Trinh)
Dưới chân núi Ngự
Sơn, phía sau Thiên Thủy Tháp có một tòa động nhỏ, đó là động Vân Thủy. Động thờ
bà Bà Chúa rừng chức Thượng ngàn chúa tể, cai quản rừng núi ở Nam Giao. Bà vốn
họ Nguyễn, tên húy là La Bình. Con gái của Thánh Tản và Mị Nương.
Truyền thuyết kể rằng:
Thắng Tản Viên Sơn có hai con một trai và một gái. Con trai tên là Mai, con gái
tên là La Bình. Bà La Bình xinh đẹp, hiền thục. Từ nhỏ thường ham mê phong cảnh
núi rừng, làm bạn với muôn loài muông thú, cỏ cây. Bà còn dạy bảo các loài cầm
thú về tình thương và không làm điều ác, thuận theo đức hiếu sinh của trời đất.
Các loài muông thú rất quý mến và quấn quýt Bà. Vì có công lao to lớn đó nên
“Thượng ngàn chúa tể”. Và giao cho quản 81 cửa rừng ở cõi Nam Giao. Không chỉ bảo
vệ núi rừng, dạy dỗ muông thú thể đực hiếu sinh mà Bà còn cứu dân, giúp nước, bảo
vệ cõi bờ như đã giúp các triều Lý, Trần đánh giặc. Đặc biệt giúp Lê Lợi trong
công cuộc chống giặc Minh giành lại giang sơn gấm vóc. Do đó, nhân dân nhớ ơn
đã lập đền thờ ở nhiều nơi. Động này vốn có từ lâu, trong kháng chiến chống Mỹ,
Cố hòa thượng Thích Thanh Chân thường lên đây tránh máy bay.
Đầu tháng 9 năm 1991,
trong lúc rỗi việc Thượng tọa Thích Viên Thành trèo lên khu vực này ngồi nghỉ ngơi
thư giãn. Nhìn kỹ xung quanh thấy cảnh sắc u trầm, linh khí phảng phất, lại có
thế phong thủy đắc địa. Phía hậu quỷ bền dầy, minh đường thì thoáng đạt thêm
vào tiền án trùng trùng có giá gác bút làm cận án. Rồi còn Thủy nghiêm, tháp
bút trước mặt. Sau một hồi cân nhắc, dở La Kinh căn góc độ mới bàn bạc với các
đệ tử rồi quyết định khai phá. Công việc tiến hành thật vất vả. Bên ngoài thì
hàn vá lại động, bên trong thì sửa sang bài trí nội thất. Sau 2 năm công việc mới
chu viên. Đến ngày 11 tháng Giêng năm Quý Dậu (1993) làm Lễ khánh thành.
Đến nay, tuy thờ phụng
còn đơn sơ nhưng khách thập phương chiêm bái, đều toại ý.
ĐỘNG CHÙA TIÊN SƠN
Lên cao, lên cao mãi
Chân mới tưởng đường
xa
Đỉnh cao ngoái nhìn lại
Chùa Tiên vẫn cạnh ta
(Phạm Hổ)
Khi chiêm bái chùa
Thiên Trù xong, quý khách rẽ phải lên núi Thanh Long đến lưng chừng sẽ thấy một
cổng Tam Quan xinh xắn vút như sắp bay lên. Qua cổng vào sâu phía trong, một
tòa lâu đài mỹ lệ nho nhỏ dựa vào vách núi hiên ra trước mắt. Đó là khu chùa Động
Tiên Sơn. Động này có từ trước thời Lê – Trịnh, nhưng bị đất đá, cây rừng che lấp.
Lúc 15h ngày 28 tháng 2 năm Quý Mão (1903) (tài
liệu của ông Dương Tự Giáp) một tiền khu hương thôn đi hái củi đánh rơi con
dao quắm xuống hang, bèn chui xuống để lấy liền phát hiện ra động. Khi đào đất
moi đá thấy cửa động lộ ra, trên vách còn in rõ một bài thơ bát cú:
“Chợt khỏi Thiên Trù thoạt rẽ lên
Che che cửa động một đường len
Trở mây quanh quất lồng hương Phật
Gõ đá vang lừng trỗi nhạc tiên
Bảo cái đùn đùn trên bảo tọa
Kim quan chăm chắm trươc kim liên
Thanh xa dấu cũ còn ghi để
Quyến được xe loan biết mấy phen”
Dưới lạc khoản ghi:
“Đại nguyên soái tổng quốc sư Trịnh Tĩnh Vương ngự chế”
Sau đó, hội thiện
làng Yến Vĩ bèn đứng ra mở chùa, tìm được đại sư Thanh Tích – động chủ Hương
Sơn tận tình giúp đỡ. Đến năm Giáp Thìn (1904) đục thêm một cửa vào bên tay phải.
năm Đinh Mùi (1907) tạc ba pho tượng bồ tát bằng đá ngọc thạch (tìm thấy trên nóc động). Năm Kỷ Dậu
(1909) đúc tòa tượng Cửu Long bằng đồng. Năm Tân Hợi (1911) tạc thêm hai pho tượng
vua Trang Vương và Hoàng hậu bằng đá ngọc thạch. Rồi tiếp tục xây điện Mẫu, nhà
tầng. Đến 14h ngày 8 tháng 2 nhuận năm Đinh Hợi (1947) giặc tràn vào đốt phá
ngày 20 tháng 6 năm Nhâm Thìn (1952) lại ném bom xóa gần hết dấu tích nhân tạo
của chùa. Năm Nhâm Dần (1962), hội thiện này đã cúng khu vực động về nhà chùa
sát nhập vào danh mục khu di tích quốc gia để quản lý và tôn tạo lại. Từ năm
1994-1996, Ban xây dựng chùa Hương và Tùng lâm Hương – Thiên nới thêm sân động,
xây dựng lại Tổ đường, Bảo điện và hai tòa tả hữu vu khiến cho khu Chùa động
Tiên Sơn lại khang trang tú lệ như xưa.
Ngày nay khách lên
chiêm bái cảnh Tiên Sơn không khỏi bàng hoàng sững sờ trước cảnh đẹp thần tiên
nơi đất Phật như Cao Bá Quát thủa nào:
“Tám khúc bên non cảnh hữu tình
Rừng mơ hoa kết quả đầy cành
Giấc mơ tiên tưởng mình tiên thật
Gặp giữa Đào Nguyên ánh mắt xanh”.
ĐỘNG ĐẠI BINH
Nhác trông lên ai khéo vẽ hình
Đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt
Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt
Gập ghềnh mấy lối uốn thang mây
(Chu Mạnh Trinh)
Từ cổng Nam Thiên Môn
của Thiên Trù, đi về phía tay phải theo đường đá núi gập ghềnh khoảng 700m, du
khách sẽ tới một tòa động mới tú lệ khang trang đó là động Đại Binh.
Động này có từ lâu.
Trong thời Pháp thuộc, một đạo quân người thiểu số cố thủ ở hang này đã kháng cự
với quân Pháp. Sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, người chỉ huy đạo quân này là
tướng Đinh Công Tráng bị vây lâu ngày hết lương thực, ông và đạo nghĩa binh đều
tuẫn tiết ở đây. Chính ông đã cho khắc hai chữ “Đại Binh” lên cửa động để ghi dấu
Ngày 2 tháng 3 năm
Tân Mùi (1991), ông Nguyễn Văn Đạo, ông Bùi Văn Xế được sự chỉ đạo của các cơ
quan Nhà nước tại khu vực, với sự giúp đỡ của nhà chùa đã (nổ mìn phá một khối đán lớn ở cửa động) đứng ra mở động.
Tượng Phật, tượng
Thánh đã được chuyển từ Thiên Trù sang để phục sự. Tượng các Tướng quân Đinh
Công Tráng, Đinh Công Vân cũng được ông Nguyễn Văn Đạo đắp để tôn thờ.
Có thơ vịnh rằng:
Hào kiệt đi rồi tượng vẫn đây,
Đinh Công Tráng chí mấy người hay
Một thanh gươm vạch trời ngang dọc
Mấy trận bão bùng đất chuyển xoay.
Thành bại xưa nay do phận định
Nợ thù non nước hận tôn đầy
Anh hùng áo vải lưu truyền thống
Ngạt ngào hương thiền tỏa khói bay.
Đến ngày 6 tháng
Giêng năm Quý Dậu (28/1/1993) hai gia đình nói trên đã viết đơn cúng cho nhà
chùa với sự xác nhận của các cơ quan Nhà nước.
Ngay sau đó, Điện
Thành Mẫu được xây dựng, sân động được mở rộng, lòng động được lát đá xẻ, đài địa
tạng được xây dựng. Cho đến hôm nay, động Đại Binh đã được liệt vào sổ vàng
danh thắng và ngày càng được tu bổ tôn tạo mở mang cho hoàn chỉnh như các khu vực
khác.
CHÙA GIẢI OAN
Rẽ núi, ta đi vào của động
Ngoảnh sau, nhìn lại dáng chùa Tiên
Qua suối Giải Oan, Am Phật Tích
Chân ta quen thuộc với đường lên
(Xuân Diệu)
Rời khỏi Thiên Trù
men theo chân núi Tiên Sơn vào Chùa Trong, quý khách rẽ lên chùa Giải Oan bên
tay trái. Chùa này do sư tổ Thông Dụng, húy Thám, pháp danh là Cương Trực đời
thứ 2 khai sáng vào triều Hậu Lê, đời Thuần Tông năm Ất Mão, niên hiệu Long Đức
thứ 4 (1735). Chùa ở lưng chừng núi Long Tuyền, khi mới khởi dựng chỉ là am thảo
nhỏ tre gỗ đơn sơ ẩn trong cây đá khói mây. Đến năm Mậu Thìn (1928) Đại sư
Thanh Tích, sư tổ đời thứ 9, tôn tạo lại theo thế “Ỷ bích sơn” và đề bốn chữ
“Giải Oan Khê Tự” trên nóc. Đến năm Đinh Sửu (1937) được trùng tu lại. Năm
1995, Ban xây dựng Chùa Hương tu bổ thêm Am Từ Vân, kè lại sân chùa và xây dựng
một số công trình phục vụ khách hành hương
Chùa Giải Oan cũng là
nơi thờ phụng Bồ Tát Quán Thế Âm là phật chủ. Riêng Am Từ Vân còn lưu giữ được
một pho tượng Tứ Tý Quán Âm vào thế kỷ XVIII. Điều đặc biệt là trong chùa có giếng
thiên nhiên Thanh Trì trong suốt và không bao giờ cạn. Bên Am Phật Tích còn có
một vết chân Phật Bà in sâu xuống đá. Tương truyền đức Chúa Ba (Bồ Tát Quan Âm
Diệu Thiện) xưa kia từ chối thánh chỉ của vua cha không lập gia đình nên đã bị
mang ra pháp trường, chưa kịp hành hình thì đã được thần núi Hương Sơn đã hóa
thành một con hổ nhảy vào cứu và cõng về đặt tại Am Phật Tích. Thế rồi từ đây
Ngài dạo chơi địa phủ thăm 18 tầng địa ngục, lúc tỉnh dậy Ngài đã ấn chân xuống
đó làm dấu và cũng từ nơi linh sơn phúc địa này, Ngài được Đức Thế Tôn hiển
thân điểm hóa và chỉ đường vào Hương Tích tu tập. Sau khi tắm nước thiên nhiên
Thanh Trì để tẩy sạch bụi trần, Ngài bèn theo Sơn thần dẫn lối đi vào cõi Phật.
Ngoài khu chính điện
và Am Từ Vân, hai bên tả hữu tòa Tam Bảo còn có Am Phật Tích nơi có vết chân Phật
Bà in sâu trên khối đá, có đá rủ xuống nước như bức trướng thiên nhiên; có động
Tuyết Kình nơi thờ thần núi Hương Sơn, vị thần đã hóa hổ cướp pháp trường lại dẫn
đường đưa đức Chùa Bà vào Hương Tích. Dưới chân núi Giải Oan còn có 9 khe suối
nhỏ, vào mùa mưa nước chảy róc rách tạo thành những âm hưởng của bản nhạc thiên
nhiên thanh thoát, như đưa du khách dứt hẳn trần ai, bước tiếp vào nơi Phật
Tích: “ Lưu thủy vô huyền vạn cổ cầm”
Đứng trên sân chùa
nhìn xuống thung lũng, ta thấy hai hàng cây đại cổ thụ hoa nở ngát hương bên đường
đá rêu phong uốn khúc, xen vào đó là những tán hoa gạo đỏ rực rỡ điểm tô trong
màu xanh biếc của núi rừng:
“Ngắm rừng mai nở khuây niềm tục,
Mượn giếng oan trong tưới lửa phiền”
Chùa Giải Oan có lối
kiến trúc hài hòa như lẫn với cảnh thiên nhiên thanh tao u tịch, sơn thủy hữu
tình và dòng nước mát của giếng thiên nhiên Thanh Trì đã phần nào giúp cho quý khách
như quên đi những ưu tư của đời thường khi hành hương về cõi Phật. Đúng như 4
câu thơ của Tố Hữu đã than:
“Ôi! Hôm nay bước từng bậc đá
Róc rách còn nghe tiếng Giải Oan
Ước gì đời mãi xanh tươi lá
Thanh thản Chùa Hương cả thế gian”
ĐỀN CỬA VÕNG
Này suối Giải Oan, này chùa Cửa Võng
Này Am Phật Tích, này động Tuyết Kình
Nhác trông lên, ai khéo vẽ hình
(Chu Mạnh Trinh)
Trên đường vào động
Hương Tích, khi bắt đầu bước lên đoạn đầu dốc cao nhất, ta gặp đền Cửa Võng. Đền
này còn được gọi là đền Trấn Song hay Vân Song. Đền thờ Bà Chúa Thượng Ngàn húy
là “Sơn tinh triều mường Công chúa Lê Mại Đại vương”. Bà có 12 nàng hầu là các
mỹ nữ Thổ, Mán. Nên đền này thường xuyên mang tin tức từ chùa Ngoài và chùa
Trong.
Tương truyền ở chỗ
này, xưa kia dây dợ chằng chịt, tạo nên như giá mắc võng. Năm 1908, Đại sư
Thanh Tích kế đăng trụ trì khu vực Hương – Thiên. Nhân đi qua đây, Đại sư thấy
phong thủy vùng này thật là đắc địa, linh khí tràn đầy. Đằng sau hậu quỷ vững bền,
phía trước dãy núi An Sơn tạo thành thế Rồng chầu mặt nguyệt. Hỏi ra mới biết
xưa kia thường khi có cúng tế chúa rừng tại đây.
Đêm ấy, cảm mộng thấy
Thanh y công chúa đến thăm, nhân đó Đại sư bèn cho xây dựng ngôi đền và đúc tượng
đồng theo mẫu người trong mộng để cho hương dân thờ phụng và làm cửa ải trấn giữ
động trời Nam.
Năm 1993, Ban xây dựng
Chùa Hương đã tu sửa lại Đền, trạm khắc câu đối, sơn xếp lại tượng thành màu
xanh. Đến cuối năm 1995 lại mở rộng thêm
sân Đền cho rộng rãi để cho khách thập phương lễ bái, nghỉ ngơi được thuận tiện.
Ngày 19/5/1958, khi
đi thăm Chùa Hương, Hồ Chủ tịch cũng đã nằm nghỉ tại Đền Cửa Võng.
Thám Hoa Vũ Phạm có
viết:
“Trèo qua một nhịp Trấn Song
Đây mới thực quần phong chi đệ nhất”
ĐỘNG CHÙA HƯƠNG TÍCH
... Chắp tay niệm Phật Di-đà
Kẻ ngồi, người đứng, kẻ ra, người vào
Non trời biết mấy từng cao
Đã đi phải đến, đã trèo phải lên...
(Chu
Mạnh Trinh)
Hang động vốn có từ
thời vận động tạo sơn, được phát hiện vào thế kỷ XVI và đưa vào thờ Phật năm
1686. Phật thoại truyền rằng Đức Quán Thế Âm Bồ Tát ứng thân làm công chúa Diệu
Thiện, tu hành 9 năm và thành quả đạo ở động này nên đặt tên là Hương Tích (dấu
vết thơm tho)
Động Hương Tích xưa
kia không ai qua lại, mãi đến khi Hòa thượng Vân Thủy Thiền Thiên Trần Đạo Viên
Quang Chân nhân trụ trì chùa Thiên Trù mới tìm ra.
Cổng chùa là một công
trình kiến trúc xây dựng bằng những phiến đá mộc mạc được khởi công vào năm
Giáp Dần (1914). Đến năm Mậu Ngọ (1918) mới xong. Qua cổng đi xuống 120 bậc đá
là vào tới động. Thuyết phong thủy cho rằng: Động Hương Tích là con rồng chúa
đang há miệng vờn ngọc. Cửa động như hàm rồng khổng lồ, rộng thênh thang, sâu
hun hút:
“...Ô! Chùa Trong đây rồi
Động thẳm bóng xanh ngời
Gấm thêu trần thạch nhũ
Ngọc nhuốm hương trầm rơi!...”
(Nguyễn Nhược
Pháp)
Ngay cửa động nhìn
lên vách trái có bút tích của Tĩnh Vương Trinh Sâm viết năm Canh Dần (1770): “Nam thiên đệ nhất động” (Động đẹp nhất trời Nam); đi vào một chút
có một đường nhỏ gọi là lối lên trời, một khe nhỏ ăn sâu xuống lòng hang gọi là
lối xuống âm phủ. Hòn thạch nhũ khổng lổ giữa động gọi là đụn Gạo. Những giọt
nước từ nhũ đá giống như bầu sữa trên trần nhỏ tí tách xuống gọi là “sữa mẹ”. Trong động với vô số những nhũ
đá, măng đá, cây đá tạo nên những hình thù kỳ diệu nhưng lại rất gần gũi với những
hình dáng, biểu tượng trong cuộc sống thường gặp như: núi Cô, núi Cậu, cây
Vàng, cây Bạc, Nong tằm, Né Kén, Chuông lợn, Ao bèo...
“Đụn gạo” cao như núi
No ấm trút mời người
Đây “Hòn cô, Hòn Cậu”
Vọng lời khấn bao đời
(Phạm Hổ)
Tòa Tam Bảo chùa động
Hương Tích với hệ thống tượng phật như các ngôi chùa truyền thống Việt Nam. Mỗi
pho tượng là một tác phẩm điêu khắc nghệ thuật độc đáo bằng chất liệu gỗ quý,
sơn son thếp vàng rực rỡ. Đặc biệt ở chính giữa có pho tượng Phật Bà Quán Thế
Âm Bồ Tát đặt thờ trong động được tạc bằng đá xanh, đây là công trình điêu khắc
nổi tiếng vào năm Quý Sửu (1793).
Nhà thơ Trần Lê Văn
viết:
... Tượng đá trong hang mãi chẳng già
Trăm năm rung động nét tài hoa
Mắt người chưa thấy dung nhan Phật
Mà tự tay người, Phật hiện ra
Hồn thợ thấm sâu nhiều vẻ mặt
Mặt bà, mặt mẹ, mặt quê hương
Thần thông bỗng nhập vào dao khắc
Tạc vẻ từ bi đẹp lạ thường!...
Động Hương Tích là
chùa chính của toàn bộ khu di tích thắng cảnh chùa Hương. Thiên nhiên tạo hóa
ra hang động, cùng với bàn tay khéo léo của con người đã tạo nên nơi phát tích
của Bồ Tát Quán Thế Âm tu hành thành chính quả, mãi mãi còn lưu dấu thơm với
non sông đất Việt:
“Dù cho sông cạn đá mòn
Quan Âm Nam Hải vẫn còn dấu thiêng”
Động Hương Tích là
tiêu biểu cho một vùng thắng cảnh, riêng động Hương Tích thì hầu như không thể
không tới vì “đi hội Chùa Hương mà không
vào động Hương Tích thì coi như không đi tới nơi”.
Hương Tích ơi, tôi sẽ còn đến nữa
Như hoa mơ lại đến với mùa mơ
Nâng cuộc đời đẹp hơn những ước mơ
(Yến Lan)
ĐỘNG HINH BỒNG
Theo sách Lịch triều hiến
chương của Phan Huy Chú, thì sưa kia có một tòa nhà động Hinh Bồng tuyệt đẹp ở
phía Nam Hương Tích.
Trịnh Sâm có thơ vịnh:
Chân núi đường xuyên một nẻo dài
Hóa công mài chuốt đã bao đời
Non xanh, nhường thấy non không đất
Suối biếc nhìn qua, suối gặp trời
Đá nhuốm ráng chiều – nhìn ngấn điểm
Sóng rung dải nhũ
- vạn châu rơi
Chim trời, cá nước vui chung cảnh
Bút ngọn khôn đem tả hết lời
( Bản dịch: Quách Vinh)
Nhưng vì có một cuộc sạt lở nào đó ở quả núi này cho nên bị động đất đá
và cây rừng vùi lấp mất.
Đến năm Nhâm Thân ( 1932), nhân dân thôn Yến Vỹ tìm thấy
trên Thong Gạo một tòa động cũng khá đẹp nên mới lập hội thiện để mở chùa.
Thỉnh sư cụ Đàm Tuyết quê ở Hải Phòng đến trụ trì khai
sơn, Sau đó 8 năm có bà Hải Khoát đến kế đăng và tiếp tục mở mang.
Năm Nhâm Dần (1962), hội thiện này cùng với nhân dân đã
cúng về nhà chùa để sát nhập vào danh mục khu thắng cảnh quốc gia duy trì xây dựng.
Hồi 22 giờ 20 phút ngày 28/9/1992, một cuộc địa chấn nhỏ
đã làm một khối đá ở nóc động lở xuống lấp mất động này. Thượng Tọa Thích Viên
Thành cùng Chư tăng trong Chùa có sự tham gia của ông Nguyễn Văn Bạo ( Minh Bảo)
thu dọn và mở lại động, xây thêm Quan Âm Đài, điện thờ Thánh, miếu Sơn Thần
vv...
Đến này, tuy chưa phải là động Hinh Bồng ghi trong sử
sách nhưng khu chùa động này cũng được tu bổ xây dựng thành nơi khanh trang tú
lệ:
Du khách đứng trên động có thể ngắm được nước non ở trăm
dặm xung quanh. Thật là:
Ngự đỉnh non thiêng tuyệt bụi hồng
Phong quang thứ nhất cảnh Hinh Bồng
Tiên chơi, Phật giáng lưu thần tích
Vượn hóa oanh ca quyện gió thông
Binh hỏa còn in nơi động phủ
Lỡ bồi vẫn vững đối non sông
Một vùng linh khí trong trời đất
Thiện tín muôn phương tới kỷ công.
CHÙA THANH SƠN – HƯƠNG ĐÀI
Lần khe Yến Vỹ đi vòng
Bốn bề bát ngát xa trông lạ nhường
Giữa dòng đáy nước lồng gương
Mượn chèo ngư phủ đưa đường Đào Nguyên
( Chu Mạnh Trinh)
Từ bến Yến vào bến Trò, đoạn giữa suối có một cây cầu bắc
nganh qua. Đó là cầu Hội nhìn sang bên trái ta thấy một mái chùa nhỏ nhấp nhô
bên sườn núi xanh màu cây rừng. Đấy là Chùa Thanh Sơn.
Trong khu vực này còn có 2 động nhỏ, đó là động Hương Đài
và động Tiểu Nhi.
Động Hương Đài nằm bên trong sườn núi Phụng Dực, hay còn
gọi là Hanh Luộn. Động này do sư cụ Đàm Tuyết cùng nhân dân thôn Hội Xá khai
sơn vào năm 1936. Động không lớn lắm nhưng lại có nhiều thạch nhũ với nét đẹp
hoang sơ.
Lùi ra phía bờ suối là hang Tiểu Nhi, hang này có rất niều
nhũ đá hình dáng trẻ thơ đang đùa ngịch, thêm đó lại có những cây đàn đá khi gõ
vào tạo nên những bản nhạc thiên nhiên. Vào năm 1966, Sư cụ Đàm Trâm từ chùa
Phúc lăng, xã Dũng Tiến, Thường Tín về
Thiên Trù sơ tán. Cuối năm đó, sư cụ men theo đường suối ghé vào động Tiểu Nhi
và dựng lên chùa Thanh Sơn. Lúc đó Hòa Thượng Thích Thanh Chân – Chủ động Hương
Sơn đã đề 10 chữ “ Bính Ngọ niên tỷ khiêu ni Đàm Trâm sáng tạo”.
Trong cảnh sơn thanh thủy tú, lần lượt quanh ba đời kế tục trụ trì. Các vị Ni chúng ở đây
– nhất là sư thầy Đàm Tịnh với sự ủng hộ của khách thập phương và nhân dân sở tại
đã khai mở chùa Thanh Sơn, với quy mô rộng rãi. Nâng nền chùa, dựng tượng đài,
phỏng chế tự viện, khiến chùa trở nên khang trang sầm uất ngõ hầu đáp ứng lòng
ngưỡng vọng của khách thập phương và bà con thiện tín quanh vùng.
CHÙA LONG VÂN
Réo rắt suối đưa quanh
Ven bờ, ngọn núi xanh
Dịp cầu xa nho nhỏ
Cảnh đẹp gần như tranh.
( Nguyễn Nhược Pháp)
Khách du xuân trẩy
hôi Chùa Hương khi qua đền Ngũ Nhạc, gặp một dòng Yến rẽ đôi, phía phải vào
Hương Tích, phía trái rẽ vào Long Vân. Thật là “ Nhất khúc bình điền lưỡng tuyến
khai”
Chùa Long Vân nằm
trên sườn núi, một nửa lấp sau núi Ấn Sơn, một nửa lộ ra giữa rừng cây xanh biếc,
mây trắng quấn quýt trông như bức họa nghìn thu. Thật là:
Chùa xưa ở lẫn trong cây đá
Sư cụ nằm chung với khói mây.
Chùa được xây dựng
vào năm Canh Thân (1920) và đồng thời
trong thời gian này, động long Vân cũng được khai tạo. Động thần tuy nhỏ nhưng
lam khói quanh năm, mây ngàn hạc lội đượm vẻ thần tiên thoát tục.
Khu vực Long Vân còn
có động hóa thân ( Thánh Hóa), chùa Cây
Khế ... tạo nên một quần thể thắng cảnh nằm giữa hai khu Hương Tích và Tuyến
Sơn. Rõ là:
Long Vân tuy tiểu
Diệu túc kỳ quan
Hiện nay sư thầy Đàm
Bình và chư ni – tăng trong thiền viện cùng nhân dân dưới sự chỉ đạo của ngành
Văn hóa và sự giúp đỡ của chính quyền, đang cố gắng duy trì và bảo tồn những di
tích cổ, đồng thời mở mang bổ sung cho những phần còn thiếu để giữ gìn thắng cảnh,
tô thắm non sông góp phần trùng hưng nền văn hóa Phật giáo ở Hương Sơn.
CHÙA BẢO ĐÀI
Năm trước năm nay lên Bảo Đài
Khắp chùa vẫn đó cỏ hoa tươi
Động ôm hồ tuyết còn đây chủ
Lối sạch rêu xanh bởi có người
( Nguyễn Cao)
Chùa Bảo Đài giống
như một ngôi chùa trong chuyện cổ tích của làng Việt nam “ Phong quang u tịch”
. Ở đây:
Sáo reo, gió thổi ngàn thông quyện
Song vắng, mây buông bóng nguyệt qua.
Tam bảo chùa, hệ thống
tượng Phật phong phú và đẹp, trong đó tòa tượng Cửu Long đạt giá trị mỹ thuật
cao.
ĐỘNG TUYẾT SƠN.
Phương Nam chất ngất núi bao la
Động tạc sườn non vẻ nuột nà
Nét đỏ dấu thần vàng chuốt móng
Sương ngưng gốc thụ ngọc in da.
( Trịnh Sâm)
Động chùa Tuyết còn gọi
là động Ngọc Long có những nét độc đáo với ánh sáng lờ mờ huyền ảo, bao nhiêu
nhũ đá thướt tha rủ xuống, chập trùng hiện ra giống như ổ rồng quấn quýt, rồi
cây vàng, cây bạc ... Trong chùa có pho tượng Bồ Tát Quán Thế Âm tạc liền vào
vách đá đầy vẻ từ bi, nhân hậu. Theo tấm bia công đức đề niên hiệu Chính Hòa
năm thứ 25 Giáp Thân 1707), chùa động được mở vào năm Giáp Tuất ( 1694) do công
đức của bà Quận phu nhân Hoàng Ngọc Hương.
Vào vãn cảnh và chiêm
bái, du khách không khỏi ngất ngây trước cảnh “ Kỳ sơn tú thủy” như cảm nhận của
Tĩnh Vương Trịnh Sâm đề bài thơ trên vách đá:
Éo le thay bấy cảnh thiên thành!
Có vẻ tân kỳ, có vẻ thanh
Gió quyến cầm thông, thông lợp tán
Mây vờn vách đá, đá in tranh
Non cao Phật hiện phô kim tướng
Động thẳm, rồng quanh lắng ngọc kinh
Sương tuyết càng nhiều càng tú lệ
Này này chẳng khác chốn bồng doanh.