Từ chùa Long Vân, rẽ sang một bên nữa của sườn núi như lên thang mây, du khách sẽ đi trên con đường đá uốn lượn như thân rồng, qua nhiều nơi gọi là kẽm núi, kẽm chiêng, rồi động Tiên, nơi ở của tướng lĩnh nghĩa quân của Đề Yêm[1] rồi qua Thung Vương là tới động Cây Khế. Gọi là động Cây Khế vì có cây khế đại thụ ở ngoài động làm dấu, dân đã quen gọi. Một bộ phận của nghĩa quân Đề Yêm trú ở động này, thường xuống Thung Viên, một bãi rộng phẳng ngay phía dưới, trước động Cây Khế để luyện binh. Khi Pháp tấn công, nhiều nghĩa quân tử thủ ở đây. Đạn Pháp bắn làm đá lấp cửa hang, nhiều người chết, cây khế cũng không còn. Nhưng sau khế lại mọc chồi lên thành cây mới, nên Hội múa rồng Tứ Linh của Đục Khê tìm ra cửa động năm 1972. Động Cây Khế có vòm ở cửa hang như miệng rồng, ở giữa mọc quả núi tròn như viên ngọc, vòm hang hình cầu, lốm đốm những mảnh vá gợi ta nhớ về bà Nữ Oa vá trời, sườn vách động là một thế giới thiên nhiên nhiều hình thù như: hình rồng cuốn nước, voi hút nước, chúa sơn lâm, cuốn thư hoành tráng, giữa động cùng với núi tiên còn có hình chuông đá tự nhiên. Động có 3 pho tượng Tam thế bằng đá xanh, 1 tượng Di Lặc bằng đồng và quả chuông bằng đồng ghi rõ niên đại và địa chỉ: “Minh Mệnh cửu niên tuế tại Mậu Tý mạnh đông… hoàn cốc nhật Quốc Oai phủ, Thạch Thất huyện, Cần Kiệm xã” (ngày tốt đầu mùa đông năm Mậu Tý niên hiệu Minh Mệnh thứ 9 (1828) hoàn thành tại xã Cầu Kiệm, huyện Thạch Thất, phủ Quốc Oai). Trong động còn có bàn thờ Đức Thánh Trần, bàn thờ Nghĩa quân và Tam tòa Thánh Mẫu. Dưới nền động còn tìm được nhiều hiện vật khảo cổ học thuộc nền văn hóa Hòa Bình, chứng minh có người Tiền sử ở đây. Đặc biệt động còn giữ được xương cốt của nghĩa quân Đề Yêm. Xưa động còn gọi là chùa Hinh Bồng mà ba chữ “Hinh Bồng tự” đã bị lấy mất. Trước đây người dân vào động còn thấy chiêng trống, lại có bài thơ vịnh cảnh Hinh Bồng bằng chữ Hán của chúa Trịnh Sâm.

Sau chùa Cây Khế, chúng ta dễ dàng tìm đến hang Sũng Sàm. Đây là di chỉ khảo cổ học được phát hiện năm 1975. Hang ở độ cao 100m, cửa hướng Tây Nam, rộng 15m, tầng văn hoá dày từ 1m – 1,4m. Hiện vật có hơn 350 đồ đá như: công cụ rìa 1 đầu, công cụ rìa dọc, rìa quanh, công cụ hình bầu dục, các loại rìu, nạo, bàn mài, chày, bàn nghiền và hàng trăm phế liệu, phế vật và hàng ngàn mảnh tước; công cụ bằng xương, nhiều mảnh gốm. Mộ có 21 mảnh sọ, 5 răng, 2 mảnh xương hàm và xương tay chân. Di chỉ có niên đại thuộc văn hoá khảo cổ học Hoà Bình, từ 11.365 đến 10.770 năm trước. Đây là một trong những điểm đặc biệt khi thăm khu thắng tích này, du khách còn được khám phá lịch sử một cách trực quan.

[1] vị chỉ huy chống Pháp thời Cận đại, người Đồng Lạc – Hà Nam, tham gia khởi nghĩa Bãi Sậy được phong Đề đốc.

Chia sẻ bài viết trên: