Đây là một công trình trong quần thể di tích Hương Sơn, đền còn có tên là đền Quán Lớn, đền Đục Khê.
Đền được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII. Từ bến Đục, theo suối Yến đi vào, đền nằm phía bên phải, cạnh suối. Đền thờ ngài Hiển Quang, một vị bộ tướng của vua Hùng Vương thứ 14, là người đã có công đánh giặc, giúp dân trừ bạo.
Đền Trình cũng là nơi khai lễ hội chùa Hương với lễ mở cửa rừng vào ngày mồng 6 tháng Giêng hàng năm với ý nghĩa để người trần gian xin phép thần rừng được vào rừng bái lễ và làm ăn sinh sống.
Nằm ở cửa ngõ vào khu danh thắng Hương Sơn nên đền được xem là nơi trình báo trước khi du khách bước vào đất Phật. Xưa nay, khách thập phương về trẩy hội chùa Hương thường dừng lại nơi đây đặt lễ rồi mới xuôi dòng suối Yến vào chùa.
Về kiến trúc, đền được xây dựng theo kiểu chữ tam, mang dáng dấp phong thủy kiểu thượng sơn lâu đài, hạ sơn lưu thuỷ. Ngoài sân đền đắp hai con voi phục có bành, đắp vẽ công phu, lại có đôi rồng đá bậc thềm và hai pho tượng đá là những công trình điêu khắc đẹp của thời Lê.
Trong thời kì kháng chiến chống Pháp, đền đã bị phá huỷ. Những năm gần đây, đền lại được dân làng Đục Khê tôn tạo, xây dựng lại với quy mô to đẹp như xưa. Phía sau đền có khu rừng Cấm. Đây là một thắng cảnh đẹp. Từ đền Trình đi đò dọc suối Yến vào đền Trình Ngũ Nhạc, chùa Thiên Trù (chùa Ngoài) gặp hang Sơn Thuỷ hữu tình với bút tích của chúa Trịnh Sâm, gặp cầu Hội của làng Hội Xá bắc qua dòng suối vào khu ruộng ven núi. Đi theo đoàn thuyền và dòng suối là cả một quần thể đồi và núi: Núi Ba Đài Rượu, núi Voi Phục, núi Mâm Xôi… Hầu hết các đỉnh núi này đều nghiêng về phía chùa, như có ý tất cả đều xô về cửa động. Đền Trình là nơi mở đầu con đường nước kì thú cho cuộc du ngoạn quần thể thắng cảnh Hương Sơn.