Chùa Thiên Trù thuộc quần thể di tích chùa Hương, còn có tên gọi là chùa Trò, chùa Ngoài. Từ Bến Trò đi bộ lên chùa Thiên Trù, lưng chừng dốc ta gặp một nhà bia, trong đó có tấm bia “Thiên Trù tự bi ký” dựng năm Chính Hòa thứ 7 (1686), ghi lại việc tu sửa chùa Thiên Trù và chùa Hương Tích của nhà sư Viên Quang. Tấm bia này là một điển hình của nghệ thuật chạm khắc cổ truyền. Đế bia có hình đôi sam quấn quýt, đôi chim uyên ương như nói lên Phật pháp chẳng tách rời, Phật và chúng sinh chẳng ly biệt. Một đề tài khác chạm voi và rắn, tượng trưng cho chân lý và ác tà, như một nhắc nhở con người nếu không luôn trau dồi thì cái ác nhỏ bé sẽ có thể nuốt chửng được cái thiện, cái chân lý. Ngoài ra còn có chạm khắc các quẻ của Kinh Dịch. Đây cũng là những chạm khắc hiếm thấy trong hệ thống văn bia nước ta.

Chùa Thiên Trù tọa lạc trên thềm núi Lão được xây dựng từ năm Đinh Hợi (1467) đời vua Lê Thánh Tông niên hiệu Quang Thuận thứ 8. Trong một chuyến tuần thú phương Nam lần thứ hai, vua Lê Thánh Tông cùng tướng sĩ qua vùng núi Hương Sơn nghỉ lại ở Thung Lũng núi Lão và cho quân lính thổi cơm ăn. Trong lúc thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên, Vua xem thiên văn thấy vùng này ở vào vị trí của sao Thiên Trù (Bếp Trời – một sao chủ về ăn uống), nên nhân đấy nhà Vua đặt tên cho chùa là Thiên Trù, còn thung lũng này tên là Phù Mã. Sau lần đó, có 3 vị Hoà thượng tới đây dựng thảo am để tu hành và đặt tên là Thiên Trù Tự (chùa Thiên Trù). Sau 3 vị Hoà thượng này, việc trụ trì ở Chùa Thiên Trù bị gián đoạn nhiều năm.

Đến niên hiệu Chính Hoà năm thứ 7 (1686) đời vua Lê Hy Tông, Hoà thượng Vân Thuỷ Thiền Thiên Trần Đạo Viên Quang được vua phong Thượng lâm viện Viên Giác Tôn Giả Ty Tăng Lục[1] tới đây tái lập đạo Phật, phát triển Phật giáo và cùng hương dân nơi đây trùng hưng Thiên Trù tự.

Sau Hoà thượng Trần Đạo Viên Quang, việc trụ trì và phát triển Phật giáo ở đây lại gián đoạn một lần nữa. Phải đến 20 năm sau, tức vào năm 1707, có Đại sư Thông Lâm tới trụ trì và tiếp tục cùng hương dân thôn Yến Vĩ xây dựng chùa Thiên Trù với 5 gian lợp lá 5 và 6 gian tả, hữu vu để thờ Phật và tu hành. Kế thừa Đại sư Thông Lâm là Hoà thượng Thanh Quyết trụ trì. Với sự giúp đỡ của các tín đồ, phật tử, thiện tín muôn phương, chính điện chùa Thiên Trù được khởi công xây dựng vào năm Mậu Thân, niên hiệu Duy Tân thứ 2 (1908). Sang đời trụ trì của Đại sư Thanh Tích, công việc xây dựng kiến thiết vẫn được tiếp tục triển khai và kéo dài gần 10 năm, để rồi Thiên Trù trở thành một công trình nguy nga tráng lệ giữa núi rừng Hương Sơn, hiện lên như một kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Diện mạo kiến trúc của Thiên Trù ngày nay được dựng theo kiểu “Ngũ môn tam cấp” – tức năm cửa ba bậc.

Qua cổng là đến sân, hai bên sân là hai dãy nhà triển lãm và trưng bày một số hình ảnh, hiện vật, tài liệu về Phật giáo với khu di tích Hương Sơn. Giữa hai dãy nhà này là gác chuông. Cổ nhân quan niệm: trong âm thanh của bộ gõ tiếng chuông chùa có sức nhiệm màu, người nghe được tiếng chuông chùa như được thức tỉnh, giảm bớt được sự u mê gọi hồn, hướng tới sự giác ngộ. Tiếng chuông chùa gợi bình yên và vang vọng vì được treo trên công trình kiến trúc đặc biệt cao và thoáng nên vang và bay xa. Tiếng chuông ở chùa Hương chính là như vậy.

Gác chuông chùa Hương trước năm 1947 đã bị tàn phá trong chiến tranh. Diện mạo gác chuông hiện nay được phục dựng năm 1982 – 1985 và tu bổ gần đây. Theo thuyết phong thuỷ, Thiên Trù (Bếp Trời) xung quanh có ba ngọn núi như các đầu rau chầu vào sân Thiên Trù. Thế đất cao dần từ bến đò, thung Phò Mã đến cổng Nam Thiên Môn, lớp cắt địa tầng bỗng đột ngột ngang đầu và ngẩng lên lồng lộng gác chuông. Lên cao nhìn xuống toàn cảnh Thiên Trù tựa như một bông hoa lớn cánh đơn cánh kép bao bọc lấy cái nhuỵ chính là gác chuông. Chẳng phải sự đắc địa dành riêng cho gác chuông mà cái ưu thế làm nổi trội gác chuông chính là sự trùng tu có bài bản, và hạng mục kiến trúc này còn mô phỏng được nét kiến trúc độc đáo ở thế kỷ XVIII. Sự độc đáo của Gác chuông chùa Hương là ở chỗ sử dụng hệ thống cột chống đỡ toàn bộ công trình không cần tường xây hai phía hoặc bốn phía như một số gác chuông khác. Nhìn bên ngoài, gác chuông chùa Hương hiển hiện 3 tầng với 12 mái chính và 8 mái phụ. Các gác chuông khác thường chỉ có hai tầng 8 mái. Ðáng chú ý các đầu đao (12 đầu đao) đều được nghệ nhân làm thành từng cặp đăng đối nhau[2]. Ðứng trong lòng gác chuông nhìn ngược lên sẽ thấy rõ quả chuông đồng thời Nguyễn, rõ cả ba tầng mái là biểu tượng của Phật – Pháp – Tăng che chở cho phật tử đến hành hương.

Qua gác chuông, theo các bậc thềm là đến hai lớp sân. Tại đây có bài trí hương án, đỉnh đồng để khách hành hương thắp hương trước khi vào chùa chính. Hai bên sân bảo thềm thứ hai là những gian nhà cầu cho khách ngủ trọ.

Tam bảo chùa Thiên Trù được làm dạng hai tầng mái, giữa tầng mái một và tầng mái hai là bức hoành phi đề 4 chữ Hán: “Hương thiên bảo sái” (Chùa báu hương trời). Đây là nơi bài trí hệ thống tượng Phật như nhiều ngôi chùa truyền thống khác.

Trong khuôn viên chùa còn nhiều tháp cổ, song đáng quan tâm nhất là Viên công bảo tháp được dựng vào cuối thế kỷ XVII, làm nơi lưu giữ xá lỵ của Tổ Viên Quang. Tháp xây bằng những viên gạch thửa, nhẵn mịn, trên mặt có ghi tên các làng xã nhiều nơi đóng góp, như lòng thành của chúng sinh mọi miền hướng về chốn Phật.

Sau năm 1954 cho tới nay, chùa Thiên Trù được xây dựng và trùng tu nhiều lần. Đáng chú ý là vào đầu năm 1992, trong khuôn viên chùa Thiên Trù, Điện Hương Thuỷ và điện thờ Mầu Liễu Hạnh được khánh thành.

Đầu năm 1993, tại khu Thiên Trù, nhà Tổ đường và nhà Bảo điện sau chùa Thiên Trù cũng được khánh thành.

Cũng trong năm 1993, Động Vân Thuỷ Thiền Thiên (nằm ở phía trên Thiên Thuỷ tháp) cũng được khai mở và khánh thành, ở đây thờ phụng các Thánh Thượng Ngàn (Thượng Ngàn Chúa Tể).

Năm 1994, cổng Nam Thiên Môn khánh thành; năm 1995 Quan Âm Các hoàn thành, năm 2004 khánh thành Bảo tháp Chân tịnh. Những công trình trên là những khối kiến trúc làm tăng vẻ đẹp thanh huyền tịch tĩnh không gian chùa Thiên Trù.

Có thể nói, chùa Thiên Trù là một công trình kiến trúc văn hóa nghệ thuật mang phong cách cổ kính. Sự bố cục rất hài hòa: Tam bảo, tiền đường, nhà thờ tổ, nhà thờ mẫu, nhà khách, các nhà kho… Thiên Trù ngày nay có khuôn viên rộng lớn và nhiều di tích hợp lại tạo ra một không gian kiến trúc hoành tráng.

[1] thời Lê, Ty Tăng Lục được lập ra để chăm sóc, cai quản các vị tu hành

[2] Quan sát kỹ trên mỗi đầu đao, dọc theo bờ chảy, mô típ tứ linh được sử dụng rất tài hoa. Cong vút ở đầu đao là đầu rồng, miệng phun nước, mặt rồng hướng lên bờ nóc. Tiếp đó là chim phượng, mặt hướng vào đầu rồng theo thế long quài phượng mớm. Ðó chính là sự hoà hợp âm dương trong vũ trụ. Bởi lẽ tâm thức của người Việt có con rồng – mây nước – cứu tinh của cư dân nông nghiệp – biểu hiện của tính dương và con phượng – mày ngài, mắt chim 1 mỏ thú có cách biểu hiện sức mạnh vũ trụ mang âm tính được thể hiện khá cân xứng. Tiếp theo hình tượng rồng – phượng là kìm và nghê. Thông thường những hình tượng này thường bắt gặp ở toà Thiêu hương các đình làng song đối với Gác chuông chùa Hương sự sáng tạo là ở chỗ độ dốc của bờ chảy không lớn so với các toà Thiêu hương đình làng hoặc Gác chuông các chùa khác.

Chia sẻ bài viết trên: