Suối Yến mang một vẻ đẹp hiền hoà, buông giữa hai triền núi. Suối dài gần 4 km bắt nguồn từ một hang nước ở cánh đồng Lỗ Rừng Vải, chảy quanh co uốn lượn qua một vùng đồng lầy, qua làng Yến Vỹ, thôn Hội Xá, làng Đục Khê rồi chảy ra sông Đáy. Đoạn chảy ra cánh đồng lầy hai bên là trùng điệp non xanh với muôn vàn kỳ bí của tạo hoá. Người xưa đã đặt tên cho từng quả núi với tên gọi theo hình dáng riêng của chúng: núi Con Rồng, núi con Rùa, núi Phòng Sư với những tảng đá được chia đều các khoang giống như trai phòng của các vị sư, trên đỉnh có 2 tảng đá có hình dáng ông sư và bà vãi, núi Đổi Chèo giống hình một con trăn lớn đang bò trên mặt nước, núi Bưng, núi Voi với truyền thuyết về 99 con voi quay đầu xuôi, một con voi quay đầu ngược. Và núi Mâm Xôi, núi Đụn ngay gần phía ngoài, đối diện đền Trình, trên đỉnh núi có một khoảng rộng 100m2 được san, kê phẳng, có nhiều mảnh bát, mảnh chum vại… Các cụ cao niên làng Yến Vĩ lưu truyền câu chuyện về “giặc Cô Đỏ” rằng: khi phong trào chống Pháp của ông Tán Thuật (tức Nguyễn Thiện Thuật) ở Bãi Sậy (Hưng Yên) bị đàn áp tan rã, có một đơn vị nghĩa quân lui về vùng núi Hương Sơn lập căn cứ ở thung chùa Tuyết Sơn. Một bộ phận nhỏ do một người nữ chỉ huy lên đóng ở đỉnh núi Đụn làm vọng gác tiền tiêu. Cô mặc yếm đỏ, khi bị bao vây, cả toán quân tuẫn tiết không chịu đầu hàng giặc. Vì vậy triều đình nhà Nguyễn gọi là “Giặc Cô Đỏ”.
Thuyền đưa khách qua núi Soi, núi Ái (còn có tên là núi Con Rùa), núi Ông Sư, Bà Vãi, qua đoạn suối vòng núi chùa Đống Lúa. Hang Sơn thủy hữu tình vốn tên là hang Trâu (còn gọi là hang Luồn), vào tháng 3 năm Canh Dần (1770), khi Chúa Trịnh Sâm trẩy hội Chùa Hương đã đề khắc lên đá cửa hang bốn chữ “Sơn thuỷ hữu tình”, từ đó mà thành tên hang. Đoạn suối ở cửa hang khá rộng và sâu, có một nhịp cầu gỗ bắc qua suối. Cầu hình thang in hình xuống suối gọi là Cầu Hội do dân làng Hội Xá bắc để đi vào nương mơ làm rừng. Cầu đã được xây lại bằng bê tông.