Đền Trình thôn Yến Vỹ còn có tên chữ là Ngũ Nhạc Linh Từ nên thường được gọi là đền Trình Ngũ Nhạc. Đây là ngôi đền nằm ngay bên phải của dòng Suối Yến, cách bến đò Yến Vỹ khoảng 500m thuộc tuyến du lịch chính đi vào chùa Thiên Trù và động Hương Tích.
Đền Trình Ngũ nhạc được xây dựng dưới chân núi Ngũ Nhạc, đây là một dãy núi gồm 5 ngọn núi liền kề nhau tạo thành một vệt hình dáng giống một con Thanh Long (Rồng xanh) nằm phục gác cổng trời Nam. Theo thuyết phong thuỷ, núi Ngũ Nhạc là dãy núi với hình thế rõ ràng, dáng núi uy nghiêm, minh đường tụ thuỷ, sinh khí trường tồn. Năm ngọn núi kế tiếp nhau, có cây to bóng mát, có chim thú tụ về, là khu rừng cấm của cư dân làng Yến Vĩ. Qua nhiều đời truyền lại, từ xa xưa dân thôn đã dựng ở đầu dãy núi một ngôi đền để thờ một vị thần tướng tên là Hùng Lang đã góp công cùng với Phù Đổng Thiên Vương đánh giặc Ân, phò vua Hùng Huy Vương thứ VI xây dựng đất nước. Sau này ông trở về sinh sống cùng dân làng Yến Vỹ. Khi mất ông được phong phúc thần của làng.
Trong cuộc khánh chiến chống thực dân Pháp, đền bị giặc Pháp đốt phá tháng 2/1947, tiếp đến những năm 1951 -1953 giặc tạm chiếm đóng bốt tại làng Yến Vỹ, đền Trình lại là mục tiêu bắn phá, cảnh quan sơ xác tiêu điều. Hoà bình lập lại với sự đóng góp nhân duyên của du khách thập phương cùng nhân dân thôn Yến Vỹ, đền Trình từng bước được tu sửa lại.
Từ năm 1992 – 1997 đền Trình được xây dựng lại như ngày nay, có bố cục mặt bằng kiểu chữ “Tam” theo phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Hậu Lê. Tòa thứ nhất có 1 tầng mái, tòa thứ hai gồm 2 tầng mái, khoảng cách giữa các tầng mái được làm chấn song con tiện giúp ánh sáng dễ lọt vào nội thất tòa nhà; Tòa thứ ba ở trong cùng có thiết kế hình vuông, kết cấu ba tầng, mỗi tầng 4 mái. Khoảng cách giữa tầng mái trên cùng và tầng mái thứ hai được đắp nổi 4 chữ Hán “Ngũ nhạc linh từ”. Các bức cốn đầu dư được nghệ nhân đục chạm tứ linh tứ quí rất tinh xảo; bên ngoài các góc đao cách điệu rồng quài lá lật. Trước cửa đền là sân rộng lát đá thoai thoải ra bến đò, sân đền có tượng võ sĩ, voi chầu bằng đá tạo nên vẻ tôn nghiêm phảng phất chốn cung đình. Phía hữu đền chính còn có đền Mẫu thờ các vị thánh Mẫu, ông Hoàng trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt.